Breaking

Post Top Ad

Chùa Vĩnh Nghiêm- TP Hồ Chí Minh

Chùa Vĩnh Nghiêm- TP Hồ Chí Minh
Tọa lạc ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa quận 3, chùa Vĩnh Nghiêm có một khuôn viên khá rộng với diện tích sử dụng khá rộng khoảng hơn 7000m2. Chùa đang thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, cầu may mắn , hạnh phúc.
Chùa được xây dựng từ năm 1964 đến năm 1971 theo bản vẽ của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng. Chùa chính xây dựng kiểu chữ “Công”, mặt hướng Đông Bắc, có mái chạy dài, đầu mái uốn cong và có hình đầu chim Nhật Bản, chính giữa là hình bánh xe pháp luân. Chùa chính có 2 tầng gồm một tầng trệt và một tầng lầu. Tầng trệt có giảng đường, Tổ đường, văn phòng, phòng khách, phòng chư tăng, cửa hàng pháp khí đồng, cửa hàng phát hành kinh sách…


Ở lầu chính, sân thượng khá rộng. Bái điện là một tòa vũ nguy nga dài 35m, rộng 22m. Điện Phật được bài trí tôn nghiêm, thờ Thích Ca Tam Tôn, chính giữa thờ đức Phật Thích Ca cao 7m, hai bên thờ Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Phổ Hiền, mỗi tượng cao khoảng 5m. Ở sát vách hai bên có đặt bốn pho tượng đồng bốn vị đệ tử của đức Phật Thích Ca: Xá Lợi Phất (trí tuệ đệ nhất); Mục Kiền Liên (thần thông đệ nhất); A Nan (đa văn đệ nhất); La Hầu La (mật hạnh đệ nhất). Ở đây có những công trình chạm gỗ như: bao lam tứ linh, bao lam cửu long, phù điêu trên các hương án (chạm những ngôi chùa nổi tiếng trong nước và các nước Châu Á) được các nghệ nhân Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Văn Du, Bá Nhâm... thực hiện vào những năm 1960.

Tại chánh điện đặt sáu bức phù điêu La Hán: Khuyến Học La Hán, Thuyết Pháp Văn Pháp La Hán, Đạo Sơn Địa Ngục Tiếp Hóa La Hán, Cúng Dàng La Hán, Cúng Dàng Bố Thí La Hán, Đại Hàn Địa Ngục Tiếp Hóa La Hán, là các bản chạm khắc gỗ dựa vào bản chính của phái Tịnh Độ Nhật Bản. Ở hàng hiên, trước lối vào chánh điện, mỗi bên có một pho tượng Kim Cương lớn

Sau điện Phật là điện Địa Tạng. Ở đây có đặt tượng thờ Bồ tát Địa Tạng, Bồ tát Quan Âm, Hộ Pháp và các bàn thờ hình ảnh, linh vị chư Phật tử quá cố.
Chùa Vĩnh Nghiêm còn được ghi nhận là nơi có tháp đá cao nhất và công phu nhất Việt Nam, với 7 tầng, cao 14 m được khánh thành năm 2003. Tháp được xây dựng với nghệ thuật trổ đá dày đặc, công phu với hoa văn, họa tiết điêu khắc phủ kín… tất cả đều theo phong cách văn hóa Lý - Trần.
Chùa Vĩnh Nghiêm đã và đang trở thành một trung tâm hành hương quan trọng của Phật tử thành phố. Ngày mồng một và ngày rằm mỗi tháng, Phật tử đến lễ bái rất đông. Hàng ngày, chùa đón tiếp nhiều khách trong và ngoài nước đến tham quan và mua kinh sách, kỷ vật lưu niệm (tượng Phật, chuỗi…).  Hàng tuần, mỗi sáng chủ nhật, đông đảo Phật tử lui tới nghe thuyết pháp tại đây.

Post Top Ad

Pages