
Cách ngã ba Dầu Giây – điểm khởi đầu của quốc lộ 20 đi Đà Lạt khoảng 50 cây số, có một quần thể đá tạo dáng đẹp đẽ, kỳ lạ ven lộ. Đó là khu danh thắng Đá Chồng. Quần thể Đá Chồng Định Quán nằm giữa khu dân cư sầm uất thuộc thị trấn Định Quán.
Nổi bật trong quần thể đá là ba cụm đá gồm hòn Ba Chồng, núi Đá Voi, hòn Dĩa. Hòn Ba chồng là tên gọi dân gian chỉ về ba hòn đá nằm chồng lên nhau khá chông chênh, độ cao hơn 36 mét so với mặt đường, Hòn đá phía dưới cùng lớn gấp hai hòn nằm trên, hòn trên cùng thì nằm chìa ra phần cửa ngoài bên dưới chừng như muốn đổ xuống bất kỳ lúc nào.
Điểm nhấn của quần thể Đá Chồng là cụm núi hòn Dĩa có hình dạng rất độc đáo như chiếc đĩa. Cụm núi này với hình thù của hình chữ nhật không đều, một đầu to, một đầu nhỏ nhưng nằm trên một tảng đá nhỏ hơn rất nhiều, với độ cao hơn 43 mét so với mặt đất. Cụm núi có nhiều đá tảng công kênh vào nhau, lại thêm cây cối mọc um tùm tạo nên những hang động đầy vẻ huyền bí, tựa như cây và đá tìm mọi cách để vươn lên tìm hơi thở sinh tồn.

Núi Đá Voi nhân dân còn gọi là núi Bạch Tương, nằm về phía tây nam của khu thắng cảnh, sau chùa Thiện Chơn 10 mét. Cụm đá có hình như 2 con voi lớn nằm cạnh nhau. Trên đỉnh của hòn đá gọi lá Voi Đực có tượng Phật Thích Ca khổng lồ nhìn về hướng đông được xây và đặt vào những năm đầu của thập niên 70. Hòn đá kế bên gọi là Voi Cái.

Dưới chân của Voi Đực có hang Bạch Hổ với tích tương truyền trong nhân dân địa phương rằng: Xưa kia, khi rừng rậm còn nhiều, có một cặp hổ trắng về ẩn tại núi Đá Voi. Điều kỳ lạ là cặp chúa sơn lâm này không bắt người ăn thịt mà thường xuống nghe tụng kinh ở chùa Thiện Chơn. Sau này rừng bị phá dần, cặp hổ bỏ đi, nhân dân cho là hổ thần nên đặt là hang Bạch Hổ. Từ hang Bạch Hổ, bàn tay con người tạo nên một hành lang tam cấp uốn theo núi Đá Voi để khách đến tham quan dễ dàng đi lên đỉnh của Đá Voi đực đến với tượng Phật, phóng tầm nhìn toàn cảnh của khu danh thắng.

Quần thể Đá Chồng Định Quán còn là nơi lưu lại những dấu tích của cuộc sống người tiền sử. Tại đây, dưới các mái đá, ven các khe suối và cả các sườn dốc ven thung lũng đã phát hiện nhiều công cụ sản xuất, sinh hoạt của người xưa bằng đá, đồng, đất nung.
Năm 1988, Đá Chồng Định Quán được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích thắng cảnh cấp quốc gia. Hoang vu không tôn tạo hoặc xây dựng các dịch vụ du lịch, tuy nhiên với nét kỳ bí của mình, Đá Ba Chồng vẫn thu hút khách du lịch.

Đến Hòn Chồng quý khách đừng quên thưởng thức những món ăn đặc sản của Đồng Nai như lẩu tôm, gỏi cá, gỏi bưởi, gà chiên, ve sầu……
